Cả nhà lại cùng nhau quây quần, chung tay chuẩn bị mâm cơm tất niên, mâm cơm thờ cúng tổ tiên hay những bữa cơm gia đình trong những ngày tết. Nếu bạn đã quá ngán những món ăn trong thực đơn ngày tết năm nào cũng giống năm nào thì phở sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho bạn.
Nguồn tích về phở
Xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ 20, với 5 loại gia vị chính là quế, đại hồi, tiểu hồi, hạt tiêu và tỏi, phở được ví như ngũ phúc mang đến bình an và sự ấm no cho cả năm sum vầy.
Ban đầu, phở là những gánh “xáo trâu” thuần Việt chỉ xuất hiện ở Hà Nội. Thời ấy, mọi người rất ít dùng thịt bò vì cho là nóng và ngán nên thường dùng thịt trâu xáo hành răm ăn với bún nên gọi là xáo trâu.
Sau khi người Pháp vào Việt Nam, họ không ăn thịt trâu nên người bán thay vào đó bằng thịt bò. Tuy nhiên, thịt bò ăn với bún dường như không đúng vị, do đó người bán đã nghĩ ra một loại sợi gạo khác mà ngày nay chúng ta gọi là phở. Qua năm tháng, món phở bò từ Hà Nội đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước với nhiều hương vị khác nhau tùy theo cách chế biến của các vùng miền.
Bát phở ngày nay
Theo năm tháng, phở dần dần đi sâu vào nền văn hóa ẩm thực của người Việt và nó trở thành hình ảnh gợi nhớ quê hương đối với những người đi xa. Với quan niệm 5 loại gia vị đặc trưng của nước phở là “Ngũ phúc”, nhiều người tin ăn phở trong ngày Tết sẽ mang đến bình an và may mắn cho cả gia đình.
“Thuở còn bé, năm mới của tôi thường bắt đầu khi xó bếp dậy lên mùi thơm của sợi phở mà mẹ đã cất công vo gạo, xay rồi ủ bột từ đêm hôm trước. Lúc đó, chị em tôi chẳng có gì ngoài những tô phở, tô bún do tự tay mẹ nấu từ các nguyên liệu ngon nhất do mẹ chọn để mừng năm mới. Những hình ảnh đó đã gắn liền với những năm tháng tuổi thơ tôi, chúng tôi đã lớn lên bằng tình yêu và mùi thơm của sợi gạo”, chị Ngọc (quận Ba Đình, Hà Nội) nhớ lại.
Giữ nét đẹp của Tết truyền thống, sống với Tết hiện đại là phương châm mà nhiều người Việt hiện nay luôn hướng về. Món phở ngày nay theo đó được làm tinh giản hơn, sợi phở sẽ không được thực hiện thủ công nhiều nữa mà thay vào đó là sợi phở được làm sẵn bằng công nghệ tiên tiến có thể ăn liền.
Cách làm phở gà siêu đơn giản tại nhà
Nguyên liệu làm phở gà:
Gà – 1/2 con hoặc 1 con tùy lượng ăn ít hay nhiều
Bánh phở – Đủ ăn
Gừng – 1 củ
Quế – 1 thanh
Hoa hồi – Vài hoa
Hành khô – 2-3 củ
Hành lá – Vừa đủ
Rau mùi – Vừa đủ
Hạt rau mùi – 3 -5 thìa
Mùi tàu – Vừa đủ
Hành tây – 1 củ (tùy ý)
Bột canh – Vừa đủ
Hạt nêm – Vừa đủ
Hướng dẫn làm phở gà:
Bước 1: Luộc gà
Gà làm sạch, dùng muối trắng xát qua mình gà rồi rửa sạch cho hết mùi hôi, cho vào nồi, đổ nước lạnh, thêm một chút muối và đập thêm vài nhánh gừng và hành khô vào cho thơm nhé. Đun sôi, khi nước vừa sôi, các bạn vặn lửa nhỏ, để liu riu cho khỏi rách da gà trong khoảng 10-15 phút, các bạn nhớ trở gà cho gà chín đều nhé. Sau đó tắt bếp, om gà trong nồi một lúc cho gà chín rồi vớt gà ra. Cho gà vào chậu nước đun sôi để nguội có thểm chút đá cho da gà được căng, giòn. Các bạn có thể lấy mỡ gà, chưng với nghệ tươi đập dập để phết lên mình gà cho da gà có màu vàng đẹp mắt nhé.
Ta có thể tận dùng gà luộc thắp hương để nấu phở gà ăn cho đỡ ngán.
Bước 2: Lọc thịt gà.
Khi gà nguội, các bạn lọc thịt gà ra, xương và phần đầu, chân, cổ gà để riêng. Thịt gà xé hoặc thái thành các lát nhỏ giống như thịt gà trong bát phở ngoài hàng nhé.
Bước 3: Nấu nước dùng
Xương gà lọc ra ở bước 2, cho lại vào nồi nước luộc gà (có thể cho thêm nước và xương lợn để ninh nếu cần) nhé.
Gừng, hành khô nướng qua lửa cho thơm và xém, bóc và cạo vỏ rồi đập dập. Quế, hồi và hạt rau mùi rang cho thơm cho vào túi lọc cùng với gừng và hành khô thả vào nồi nước dùng. Ninh khoảng 15-20 phút để xương gà và xương lợn (nếu có) tiết nước ngọt thì nêm nếm thêm bột canh, hạt nêm cho vừa ăn.
Tip: Trong miền Nam, mọi người thường ăn có vị ngọt nhiều hơn, có thể cho thêm một chút đường phèn cho vừa miệng nhé
Bước 4: Trần bánh phở
Bánh phở mua về trưng qua nước sôi rồi vớt ra để ráo. Mẹ mình không thích ăn bánh phở cắt bán sẵn ở ngoài hàng mà thường mua bánh phở loại cả miếng to ấy (thường mọi người hay mua về làm phở cuốn hoặc phở chiên phồng ý ạ) về rồi tự cắt ra rồi đêm trần như bình thường. Nếu không có bánh phở tươi, các bạn có thể mua bánh phở khô rồi trần với nước sôi nhé. Chất lượng không khác nhau nhiều đâu ạ.
Bước 5: Trình bày
Trước khi ăn, các bạn xếp bánh phở vào tô, xếp một ít hành tây thái sợi lên cho thơm (nếu thích), xếp hành lá, rau mùi và mùi tàu thái nhỏ kèm với cọng hành trắng tước sợi lên trên.
Bước 6: Chan nước dùng phở vào là bạn đã có một bát phở gà thơm ngon rồi đấy nhé.